Một trong các vấn đề được mọi người quan tâm hàng đầu khi đi nghĩa vụ quân sự là việc đóng bảo hiểm xã hội. Vậy đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc khi đi nghĩa vụ quân sự được quy định thế nào?

1. Đi nghĩa vụ quân sự trong thời gian bao lâu?

Nghĩa vụ quân sự là nghĩa vụ bao gồm phục vụ tại ngũ và phục vụ trong ngạch dự bị của Quân đội nhân dân. Theo đó, Điều 21 Luật Nghĩa vụ quân sự năm 2015 nêu rõ:

Thời gian phục vụ tại ngũ trong thời bình của hạ sĩ quan, binh sĩ là 24 tháng.

Ngoài ra, trong một số trường hợp sau đây, thời hạn phục vụ tại ngũ của hạ sĩ quan, binh sĩ có thể được kéo dài:

– Để bảo đảm nhiệm vụ sẵn sàng chiến đấu;

– Đang thực hiện nhiệm vụ phòng, chống thiên tai, dịch bệnh, cứu hộ, cứu nạn.

Đáng chú ý: Thời hạn phục vụ của hạ sĩ quan, binh sĩ trong tình trạng chiến tranh hoặc khẩn cấp về quốc phòng được thực hiện theo lệnh tổng động viên hoặc động viên cục bộ.

Đặc biệt, theo quy định tại khoản 2 Điều 43 Luật Nghĩa vụ quân sự, hạ sĩ quan, binh sĩ tại ngũ có thể được xuất ngũ trước thời hạn trong một số trường hợp như:

– Được kết luận không đủ sức khỏe để tiếp tục phục vụ tại ngũ của Hội đồng giám định y khoa quân sự;

– Là lao động duy nhất phải trực tiếp nuôi dưỡng thân nhân không còn khả năng lao động hoặc chưa đến tuổi lao động;

– Một con của bệnh binh, người nhiễm chất độc da cam suy giảm khả năng lao động từ 61% – 80%;

– Một anh hoặc một em trai của liệt sĩ…

Như vậy, thời gian tham gia nghĩa vụ quân sự thông thường là 24 tháng và có thể kéo dài thêm 06 tháng tức là đến 30 tháng  trong một số trường hợp như trên.

Trong đó, thời gian phục vụ tại ngũ của hạ sĩ quan, binh sĩ được tính từ ngày giao, nhận quân. Riêng trường hợp không có giao nhận quân tập trung thì thời gian phục vụ tại ngũ được tính từ ngày đơn vị Quân đội nhân dân tiếp nhận cho đến khi được cấp có thẩm quyền quyết định xuất ngũ.

2. Đi nghĩa vụ quân sự được đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc không?

Theo điểm I khoản 1 Điều 50 Luật Nghĩa vụ quân sự, khi đang phục vụ tại ngũ, hạ sĩ quan, binh sĩ được Nhà nước bảo đảm chế độ bảo hiểm xã hội (BHXH).

Theo đó, Điều 7 Thông tư số 95/2016 của Bộ Quốc phòng cũng khẳng định, thời gian phục vụ tại ngũ của hạ sĩ quan, binh sĩ được tính là thời gian đóng bảo hiểm xã hội làm cơ sở tính hưởng các chế độ bảo hiểm xã hội.

Như vậy, theo quy định này, thời gian tham gia nghĩa vụ quân sự được tính là thời gian đóng BHXH. Không chỉ vậy, Thông tư này cũng hướng dẫn thêm về chế độ bảo hiểm xã hội của người tham gia nghĩa vụ quân sự:

– Trước khi nhập ngũ có thời gian đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc mà xuất ngũ: Được cộng nối thời gian đóng bảo hiểm xã hội trước đó vào thời gian tại ngũ để tính hưởng chế độ bảo hiểm xã hội.

– Trước khi nhập ngũ có đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc, sau đó xuất ngũ và đóng tiếp bảo hiểm xã hội: Được cộng thời gian đóng bảo hiểm xã hội trước đó với thời gian tại ngũ và thời gian đóng bảo hiểm xã hội sau này để làm cơ sở tính hưởng các chế độ bảo hiểm xã hội.

Như vậy, tổng thời gian tính hưởng bảo hiểm xã hội được quy định cụ thể theo công thức sau:

Tổng thời gian tính hướng BHXH = Thời gian đóng BHXH trước khi nhập ngũ + Thời gian phục vụ tại ngũ + Thời gian đóng BHXH sau khi xuất ngũ.

Tóm lại, thời gian đi nghĩa vụ quân sự được tính là thời gian đóng bảo hiểm xã hội để làm căn cứ hưởng các chế độ bảo hiểm xã hội. 

Xem thêm: Tạm hoãn hợp đồng lao động do người lao động thực hiện nghĩa vụ quân sự 

Trên đây là nội dung bài viết “Đi nghĩa vụ quân sự đóng BHXH bắt buộc thế nào?” mà Lawkey gửi tới bạn đọc. Mọi thắc mắc vui lòng liên hệ với chúng tôi qua số điện thoại 1900252511 để được hỗ trợ tư vấn miễn phí. 

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *