Pháp luật về bảo hiểm xã hội cho phép người lao động đủ tuổi về hưu được quyền đóng bảo hiểm xã hội một lần cho thời gian đóng còn thiếu để hưởng chế độ hưu trí.
Theo đó, người lao động (NLĐ) đủ tuổi nghỉ hưu có quyền chọn đóng bảo hiểm xã hội một lần cho thời gian còn thiếu theo quy định sau:
1. Đối với người lao động dóng bảo hiểm xã hội bắt buộc
Theo quy định tại Khoản 4 Điều 15 Thông tư 59/2015/TT-BLĐTBXH, trường hợp nếu người lao động đủ điều kiện về tuổi hưởng lương hưu mà thời gian đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc còn thiếu tối đa 06 tháng thì người lao động được lựa chọn đóng một lần cho số tháng còn thiếu với mức đóng hằng tháng bằng tổng mức đóng của người lao động và người sử dụng lao động theo mức tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội trước khi nghỉ việc vào quỹ hưu trí và tử tuất để hưởng lương hưu.
Người lao động được hưởng lương hưu tại tháng đủ điều kiện về tuổi hưởng lương hưu và đã đóng đủ bảo hiểm xã hội cho số tháng còn thiếu.
Ví dụ:
1. Ông C sinh tháng 3/1956, làm việc trong điều kiện bình thường, đến hết tháng 3/2016 ông C có 19 năm 7 tháng đóng bảo hiểm xã hội. Trường hợp ông C được đóng bảo hiểm xã hội một lần cho 5 tháng còn thiếu. Tháng 4/2016, ông C đóng một lần cho 5 tháng còn thiếu cho cơ quan bảo hiểm xã hội. Ông C được hưởng lương hưu từ tháng 4/2016.
Trường hợp ông C nêu trên mà đến tháng 7/2016 mới đóng bảo hiểm xã hội một lần đủ cho 5 tháng còn thiếu thì được hưởng lương hưu từ tháng 7/2016.
2. Ông H sinh tháng 3/1963, có 19 năm 6 tháng đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc; tháng 3/2016 ông H được Hội đồng Giám định y khoa kết luận suy giảm khả năng lao động 63%. Như vậy, ông H đã đủ điều kiện về tuổi và mức suy giảm khả năng lao động để hưởng lương hưu nhưng còn thiếu 6 tháng đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc, ông H được đóng tiếp bảo hiểm xã hội bắt buộc 6 tháng. Tháng 4/2016, ông H đóng một lần cho 6 tháng còn thiếu. Thời điểm hưởng lương hưu đối với ông H được tính từ tháng 4/2016.
2. Đối với người lao động đóng bảo hiểm xã hội tự nguyện
Trường hợp thời gian đóng bảo hiểm xã hội còn thiếu không quá 10 năm (120 tháng):
Người lao động được đóng một lần cho những năm còn thiếu cho đủ 20 năm để hưởng lương hưu nếu người lao động tham gia bảo hiểm xã hội đã đủ điều kiện về tuổi để hưởng lương hưu theo quy định.
– Mức đóng:
Mức đóng một lần cho những năm còn thiếu theo quy định trên được tính bằng tổng mức đóng của các tháng còn thiếu, áp dụng lãi gộp bằng lãi suất đầu tư quỹ bảo hiểm xã hội bình quân tháng do bảo hiểm xã hội Việt Nam công bố của năm trước liền kề với năm đóng.
– Thời điểm hưởng:
Người lao động tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện đóng một lần cho những năm còn thiếu theo quy định trên để đủ điều kiện hưởng lương hưu thì thời điểm hưởng lương hưu được tính từ tháng liền kề sau tháng đóng đủ số tiền cho những năm còn thiếu.
Trường hợp thời gian đóng bảo hiểm xã hội còn thiếu trên 10 năm:
– Người lao động tham gia bảo hiểm xã hội đã đủ tuổi nghỉ hưu theo quy định mà thời gian đóng bảo hiểm xã hội còn thiếu trên 10 năm thì có thể chọn tiếp tục đóng bảo hiểm xã hội tự nguyện theo một trong các phương thức đóng bảo hiểm tự nguyện theo quy định cho đến khi thời gian đóng bảo hiểm xã hội còn thiếu không quá 10 năm thì được đóng một lần cho những năm còn thiếu để hưởng lương hưu.
– Cụ thể, người lao động có thể chọn một trong các phương thức đóng bảo hiểm xã hội tự nguyện sau đây:
- Đóng hằng tháng;
- Đóng 03 tháng một lần;
- Đóng 06 tháng một lần;
- Đóng 12 tháng một lần;
- Đóng một lần cho nhiều năm về sau nhưng không quá 5 năm một lần.
Trên đây là nội dung tư vấn “Được đóng bảo hiểm xã hội một lần cho thời gian còn thiếu để hưởng lương hưu không?” mà Lawkey gửi tới bạn đọc. Mọi thắc mắc vui lòng liên hệ với chúng tôi qua số điện thoại 1900252511 để được hỗ trợ tư vấn miễn phí.