Theo quy định của pháp luật, để trở thành chủ sở hữu công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên, chủ đầu tư có thể góp vốn thành lập công ty, nhận chuyển nhượng toàn bộ phần vốn góp hoặc nhận thừa kế, tặng cho từ chủ sở hữu công ty. Lawkey kính mới bạn đọc cùng tìm hiểu về vấn đề này thông qua bài viết dưới đây. 

Tùy thuộc vào từng điều kiện cụ thể mà nhà đầu tư có thể lựa chọn các cách dưới đây để trở thành chủ sở hữu công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên.

1. Thứ nhất, pháp nhân hoặc cá nhân góp vốn thành lập công ty 

Tổ chức, cá nhân thỏa mãn các điều kiện luật định, không rơi vào các trường hợp bị cấm thành lập công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên theo quy định của pháp luật thì có quyền thành lập công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên. 

Về hồ sơ đăng ký thành lập công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên trở lên bao gồm: 

– Giấy đề nghị đăng ký doanh nghiệp.

– Điều lệ công ty.

– Bản sao hợp lệ một trong các giấy tờ chứng thực cá nhân của người đại diện theo ủy quyền đối với công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên được tổ chức quản lý kèm danh sách người đại diện theo ủy quyền với công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên được tổ chức quản lý. 

– Bản sao hợp lệ các giấy tờ sau đây:

  • Một trong các giấy tờ chứng thực cá nhân của chủ sở hữu công ty đối với trường hợp chủ sở hữu công ty là cá nhân;
  • Quyết định thành lập hoặc giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp hoặc giấy tờ tương đương khác của chủ sở hữu công ty đối với trường hợp chủ sở hữu công ty là tổ chức (trừ trường hợp chủ sở hữu công ty là Nhà nước);
  • Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư đối với trường hợp doanh nghiệp được thành lập bởi nhà đầu tư nước ngoài hoặc tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài theo quy định tại Luật đầu tư và các văn bản hướng dẫn thi hành.

– Văn bản ủy quyền của chủ sở hữu cho người được ủy quyền đối với trường hợp chủ sở hữu công ty là tổ chức.

Người thành lập doanh nghiệp (tổ chức, cá nhân thành lập hoặc góp vốn để thành lập doanh nghiệp) thực hiện việc đăng ký công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên theo quy định của Luật doanh nghiệp năm 2014 tại Cơ quan đăng ký kinh doanh có thẩm quyền để được cấp giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp. Kể từ ngày được cấp giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp, công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên chính thức được thừa nhận về mặt pháp lý, tư cách chủ sở hữu công ty cũng chính thức phát sinh. 

2. Thứ hai, pháp nhân hoặc cá nhân nhận chuyển nhượng toàn bộ phần vốn góp từ chủ sở hữu công ty

Theo quy định tại Khoản 5 Điều 76 Luật doanh nghiệp năm 2014, Chủ sở hữu công ty chỉ được quyền rút vốn bằng cách chuyển nhượng một phần hoặc toàn bộ vốn điều lệ cho tổ chức hoặc cá nhân khác.

Nếu chủ sở hữu công ty chuyển nhượng một phần vốn điều lệ cho tổ chức, cá nhân khác thì lúc này số lượng chủ sở hữu công ty đã lớn hơn một, và vì vậy, bản chất của công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên không còn nữa, công ty phải đăng ký thay đổi nội dung đăng ký doanh nghiệp theo khoản 1 Điều 77 Luật doanh nghiệp năm 2014. Cụ thể, Khoản 1 Điều 77 Luật doanh nghiệp năm 2014 quy định như sau: “Trường hợp chủ sở hữu công ty chuyển nhượng, tặng cho một phần vốn điều lệ cho tổ chức hoặc cá nhân khác hoặc công ty kết nạp thêm thành viên mới, công ty phải tổ chức hoạt động theo loại hình công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên trở lên hoặc công ty cổ phần và đồng thời thực hiện đăng ký thay đổi nội dung đăng ký doanh nghiệp với Cơ quan đăng ký kinh doanh trong thời hạn 10 ngày, kể từ ngày hoàn thành việc chuyển nhượng, tặng cho hoặc kết nạp thành viên mới.”

3. Thứ ba, pháp nhân hoặc cá nhân nhận tặng cho hoặc thừa kế toàn bộ vốn điều lệ  từ chủ sở hữu công ty 

Chủ thể duy nhất nhận tặng cho hoặc thừa kế toàn bộ vốn điều lệ từ chủ sở hữu công ty sẽ trở thành chủ sở hữu công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên. Khi đó, công ty phải đăng ký thay đổi nội dung đăng ký doanh nghiệp theo Điều 31 Luật doanh nghiệp năm 2014.

Trên đây là nội dung bài viết “Làm như thế nào để chủ đầu tư trở thành chủ sở hữu công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên?” mà Lawkey gửi tới bạn đọc. Mọi thắc mắc vui lòng liên hệ với chúng tôi qua số điện thoại 1900252511 để được hỗ trợ tư vấn miễn phí.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *