Cổ phần được tự do chuyển nhượng, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác và Điều lệ công ty có quy định hạn chế chuyển nhượng cổ phần. Vậy khi chuyển nhượng cổ phần cần lưu ý điều gì?Lawkey kính mới bạn đọc cùng tìm hiểu về vấn đề này thông qua bài viết dưới đây.

1. Nguyên tắc chuyển nhượng cổ phần 

Theo quy định của Luật doanh nghiệp năm 2014, cổ phần của cổ đông công ty cổ phần được tự do chuyển nhượng. Tuy nhiên, đối với cổ phần của cổ động sáng lập thì trong thời hạn 03 năm, kể từ ngày công ty được cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp, cổ đông sáng lập chỉ có quyền tự do chuyển nhượng cổ phần của mình cho cổ đông sáng lập khác và chỉ được chuyển nhượng cổ phần phổ thông của mình cho người không phải là cổ đông sáng lập nếu được sự chấp thuận của Đại hội đồng cổ đông. 

Ngoài trường hợp hạn chế chuyển nhượng đối với cổ phần của cổ đông sáng lập thì vấn đề hạn chế chuyển nhượng cổ phần còn có thể được quy định tại Điều lệ của công ty. Tuy nhiên, việc hạn chế chuyển nhượng cổ phần được quy định tại Điều lệ của công ty cũng chỉ có hiệu lực khi quy định hạn chuyển nhượng cổ phần được nêu rõ trong cổ phiếu của cổ phần tương ứng.

2. Chuyển nhượng cổ phần trong một số trường hợp đặc biệt 

Theo quy định của Luật doanh nghiệp năm 2014, nếu cổ đông là cá nhân chết thì người thừa kế theo di chúc hoặc theo pháp luật của cổ đông đó là cổ đông của công ty. Trường hợp cổ phần của cổ đông là cá nhân chết mà không có người thừa kế, người thừa kế từ chối nhận thừa kế hoặc bị truất quyền thừa kế thì số cổ phần đó được giải quyết theo quy định của pháp luật về dân sự. Cụ thể, Điều 622 Bộ luật dân sự năm 2015 quy định: “Trường hợp không có người thừa kế theo di chúc, theo pháp luật hoặc có nhưng không được quyền hưởng, từ chối nhận di sản thì tài sản còn lại sau khi thực hiện nghĩa vụ về tài sản mà không có người nhận thừa kế thuộc về Nhà nước.”

Cổ đông có quyền tặng cho một phần hoặc toàn bộ cổ phần của mình tại công ty cho người khác; sử dụng cổ phần để trả nợ. Trường hợp này, người được tặng cho hoặc nhận trả nợ bằng cổ phần sẽ là cổ đông của công ty.

Lưu ý:

–  Trường hợp cổ đông chuyển nhượng một số cổ phần thì cổ phiếu cũ bị hủy bỏ và công ty phát hành cổ phiếu mới ghi nhận số cổ phần đã chuyển nhượng và số cổ phần còn lại.

– Người nhận cổ phần trong các trường hợp trên chỉ trở thành cổ đông công ty từ thời điểm các thông tin của họ được ghi đầy đủ vào sổ đăng ký cổ đông.

3. Cách thức chuyển nhượng cổ phần 

Cũng theo quy định của Luật doanh nghiệp năm 2014, việc chuyển nhượng cổ phần được thực hiện bằng hợp đồng theo cách thông thường hoặc thông qua giao dịch trên thị trường chứng khoán.

Trường hợp chuyển nhượng bằng hợp đồng thì giấy tờ chuyển nhượng phải được bên chuyển nhượng và bên nhận chuyển nhượng hoặc đại diện ủy quyền của họ ký.

Trường hợp chuyển nhượng thông qua giao dịch trên thị trường chứng khoán, trình tự, thủ tục và việc ghi nhận sở hữu thực hiện theo quy định của pháp luật về chứng khoán.

Trên đây là nội dung bài viết “Những lưu ý cần thiết khi chuyển nhượng cổ phần” mà Lawkey gửi tới bạn đọc. Mọi thắc mắc vui lòng liên hệ với chúng tôi qua số điện thoại 1900252511 để được hỗ trợ tư vấn miễn phí.

One thought on “Những lưu ý khi chuyển nhượng cổ phần

  1. Pingback: Thanh toán cổ phần đã đăng ký mua khi đăng ký doanh nghiệp - Trang pháp luật kinh tế - Luật LawKey

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *