Khi tham gia vào quan hệ lao động, người lao động là người khuyết tật về cơ bản được hưởng quyền lợi giống như người lao động bình thường. Bên cạnh đó, người khuyết tật được ưu tiên hơn về một số vấn đề trong lao động liên quan đến sức khỏe của họ.

1. Thế nào là người lao động khuyết tật ?

Theo quy định tại Khoản 1 Điều 2 Luật người khuyết tật năm 2010, người khuyết tật là người bị khiếm khuyết một hoặc nhiều bộ phận cơ thể hoặc bị suy giảm chức năng được biểu hiện dưới dạng tật khiến cho lao động, sinh hoạt, học tập gặp khó khăn. Căn cứ vào khoản 2 điều 3 Luật người khuyết tật thì người khuyết tật được chia làm những dạng sau:

  • Người khuyết tật đặc biệt nặng là người do khuyết tật dẫn đến không thể tự thực hiện việc phục vụ nhu cầu sinh hoạt cá nhân hàng ngày;
  • Người khuyết tật nặng là người do khuyết tật dẫn đến không thể tự thực hiện một số việc phục vụ nhu cầu sinh hoạt cá nhân hàng ngày;
  • Người khuyết tật nhẹ là người khuyết tật không thuộc các trường hợp trên.

Khoản 1 Điều 3 Bộ luật lao động năm 2012 ghi nhận: Người lao động là người từ đủ 15 tuổi trở lên, có khả năng lao động, làm việc theo hợp đồng lao động, được trả lương và chịu sự quản lý, điều hành của người sử dụng lao động”. Do đó, có thể thấy, không có sự phân biệt đối xử nào giữa người lao động bình thường và người lao động khuyết tật. Bất kỳ ai từ đủ 15 tuổi trở lên, có khả năng lao động đều có cơ hội tìm kiếm việc làm.

2. Chính sách của Nhà nước đối với lao động là người khuyết tật 

Người khuyết tật là đối tượng yếu thế trong xã hội, vì vậy, ngoài các quyền và nghĩa vụcủa một người lao động bình thường, Nhà nước cũng có những chính sách ưu tiên đối với người lao động là người khuyết tật và người sử dụng lao động sử dụng người lao động khuyết tật. Cụ thể:

  • Nhà nước bảo trợ quyền lao động, tự tạo việc làm của lao động là người khuyết tật, có chính sách khuyến khích và ưu đãi người sử dụng lao động tạo việc làm và nhận lao động là người khuyết tật vào làm việc, theo quy định của Luật người khuyết tật.
  • Người sử dụng lao động sử dụng lao động là người khuyết tật được vay vốn ưu đãi từ Qũy quốc gia về việc làm.

3. Trách nhiệm của người sử dụng lao động sử dụng lao động là người khuyết tật

  • Người sử dụng lao động phải bảo đảm về điều kiện lao động, công cụ lao động, an toàn lao động, vệ sinh lao động phù hợp với lao động là người khuyết tật và thường xuyên chăm sóc sức khoẻ của họ.
  • Ngoài ra, người sử dụng lao động phải tham khảo ý kiến lao động là người khuyết tật khi quyết định những vấn đề liên quan đến quyền và lợi ích của họ.

4. Các hành vi bị cấm khi sử dụng người lao động là người khuyết tật 

Pháp luật cấm người sử dụng lao động có các hành dưới đây khi sử dụng người lao động là người khuyết tật:

  • Sử dụng lao động là người khuyết tật suy giảm khả năng lao động từ 51% trở lên làm thêm giờ, làm việc vào ban đêm.
  • Sử dụng lao động là người khuyết tật làm những công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm hoặc tiếp xúc với các chất độc hại theo danh mục do Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội chủ trì phối hợp với Bộ Y tế ban hành.

Trên đây là nội dung bài viết về vấn đề “Quy định của pháp luật về người lao động là người khuyết tật” mà Lawkey gửi tới bạn đọc. Mọi thắc mắc vui lòng liên hệ với Lawkey để được hỗ trợ tư vấn miễn phí.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *