Theo quy định của pháp luật, tài sản gắn liền với đất là bất động sản. Vậy tài sản gắn liền với đất bao gồm những loại nào? Trong bài viết dưới đây, Lawkey sẽ giải đáp giúp bạn đọc.

1. Các tài sản gắn liền với đất

Các tài sản gắn liền với đất bao gồm:

– Nhà, công trình xây dựng gắn liền với đất đai;

– Tài sản khác gắn liền với đất đai, nhà, công trình xây dựng;

– Tài sản khác theo quy định của pháp luật.

Trong đó:

Nhà ở được định nghĩa là công trình xây dựng với mục đích để ở và phục vụ các nhu cầu sinh hoạt của hộ gia đình, cá nhân. Nhà ở bao gồm:

Nhà ở riêng lẻ: Là nhà ở được xây dựng trên thửa đất ở riêng biệt thuộc quyền sử dụng hợp pháp của tổ chức, hộ gia đình, cá nhân, bao gồm nhà biệt thự, nhà ở liền kề và nhà ở độc lập;

Nhà chung cư: Là nhà có từ 2 tầng trở lên, có nhiều căn hộ, có lối đi, cầu thang chung, có phần sở hữu riêng, phần sở hữu chung và hệ thống công trình hạ tầng sử dụng chung cho các hộ gia đình, cá nhân, tổ chức, bao gồm nhà chung cư được xây dựng với mục đích để ở và nhà chung cư được xây dựng có mục đích sử dụng hỗn hợp để ở và kinh doanh;

Nhà ở thương mại: Là nhà ở được đầu tư xây dựng để bán, cho thuê, cho thuê mua theo cơ chế thị trường;

Nhà ở công vụ: Là nhà ở được dùng để cho các đối tượng thuộc diện được ở nhà công vụ theo quy định của Luật nhà ở năm 2014 thuê trong thời gian đảm nhận chức vụ, công tác;

Nhà ở để phục vụ tái định cư: Là nhà ở để bố trí cho các hộ gia đình, cá nhân thuộc diện được tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất ở, bị giải tỏa nhà ở theo quy định của pháp luật;

Nhà ở xã hội: Là nhà ở có sự hỗ trợ của Nhà nước cho các đối tượng được hưởng chính sách hỗ trợ về nhà ở theo quy định của Luật nhà ở năm 2014.

Nhóm công trình xây dựng gắn liền với đất đai là sản phẩm được tạo thành bởi sức lao động của con người, vật liệu xây dựng, thiết bị lắp đặt vào công trình, được liên kết định vị với đất, có thể bao gồm: phần dưới mặt đất, phần trên mặt đất, phần dưới mặt nước và phần trên mặt nước, được xây dựng theo thiết kế. Công trình xây dựng bao gồm công trình dân dụng, công trình công nghiệp, giao thông, nông nghiệp và phát triển nông thôn, công trình hạ tầng kỹ thuật và công
trình khác.

Bất động sản khác, bao gồm: Cây lâu năm, rừng sản xuất, v.v..

Tuy nhiên, nhóm bất động sản đất đai và nhà ở vẫn là hai nhóm cơ bản, tỷ trọng lớn, tính chất phức tạp cao, chiếm tuyệt đại đa số các giao dịch trên thị trường bất động sản.

2. Giấy tờ chứng minh quyền sở hữu đối với tài sản gắn liền với đất 

Trước ngày 10-12-2009, mỗi loại tài sản gắn liền với đất sẽ được cấp giấy chứng nhận riêng biệt tương ứng với từng loại, ví dụ như: Giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở và quyền sử dụng đất ở, Giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở, Giấy chứng nhận quyền sở hữu công trình xây dựng. Kể từ ngày 10-12-2009, các loại giấy chứng nhận đối với các tài sản khác gắn liền với đất bao gồm cả nhà ở và công trình trên đất được thay đổi và cấp theo một mẫu chung thống nhất là Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản gắn liền với đất.

Căn cứ các quy định của Luật nhà ở năm 2014Luật đất đai năm 2013, các tài liệu pháp lý liên quan đến nhà ở có thể bao gồm:

(i) Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất. Đây là tài liệu do cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp khi tổ chức, cá nhân, gia đình có đủ điều kiện và có nhà ở hợp pháp để công nhận quyền sở hữu nhà ở;

(ii) Các giấy tờ chứng minh việc tạo lập hợp pháp về nhà ở cho mục đích xin cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất, bao gồm:

  • Giấy phép xây dựng nhà ở đối với trường hợp phải xin giấy phép xây dựng theo quy định của pháp luật về xây dựng;
  • Hợp đồng mua bán nhà ở;
  • Giấy tờ về giao hoặc tặng nhà tình nghĩa, nhà tình thương, nhà đại đoàn kết;
  • Giấy tờ về sở hữu nhà ở do cơ quan có thẩm quyền cấp qua các thời kỳ;
  • Giấy tờ về mua bán hoặc nhận tặng cho, đổi hoặc nhận thừa kế nhà ở đã có chứng nhận của công chứng hoặc chứng thực của Ủy ban nhân dân cấp có thẩm quyền theo quy định của pháp luật;
  • Bản án hoặc quyết định của Tòa án nhân dân hoặc giấy tờ của cơ quan nhà nước có thẩm quyền giải quyết được quyền sở hữu nhà ở đã có hiệu lực pháp luật.

Như vậy, tùy từng loại tài sản gắn liền với đất mà tện gọi của giấy tờ chứng minh quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất là khác nhau.

Trên đây là nội dung bài viết về vấn đề “Tài sản gắn liền với đất” mà Lawkey gửi tới bạn đọc. Mọi thắc mắc vui lòng liên hệ với chúng tôi để được hỗ trợ tư vấn miễn phí.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *