Pháp luật quy định như thế nào về thuế thu nhập cá nhân từ chuyển nhượng vốn? Lawkey kính mời bạn đọc cùng tìm hiểu về vấn đề này thông qua bài viết dưới đây.

1. Xác định thuế thu nhập từ chuyển nhượng vốn 

Theo Khoản 4 Điều 2 Thông tư số 111/2013/TT-BTC được sửa đổi, bổ sung bởi Điều 4 Thông tư 25/2018/TT-BTC thì thu nhập từ chuyển nhượng vốn chịu thuế thu nhập cá nhân bao gồm:

  • Thu nhập từ chuyển nhượng vốn góp trong công ty trách nhiệm hữu hạn (bao gồm cả công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên), công ty hợp danh, hợp đồng hợp tác kinh doanh, hợp tác xã, quỹ tín dụng nhân dân, tổ chức kinh tế, tổ chức khác.
  • Thu nhập từ chuyển nhượng chứng khoán, bao gồm: thu nhập từ chuyển nhượng cổ phiếu, quyền mua cổ phiếu, trái phiếu, tín phiếu, chứng chỉ quỹ và các loại chứng khoán khác theo quy định của Luật chứng khoán. Thu nhập từ chuyển nhượng cổ phiếu của các cá nhân trong công ty cổ phần theo quy định của Luật chứng khoán và của Luật doanh nghiệp.
  • Thu nhập từ chuyển nhượng vốn dưới các hình thức khác.

2. Các trường hợp được giảm thuế 

Theo quy định tại Điều 5 Luật thuế thu nhập cá nhân, Điều 5 Nghị định số 65/2013/NĐ-CP, người nộp thuế gặp khó khăn do thiên tai, hỏa hoạn, tai nạn, bệnh hiểm nghèo ảnh hưởng đến khả năng nôp thuế thì được xét giảm thuế tương ưng với mức độ thiệt hại nhưng không vượt quá số thuế phải nộp. 

Theo hướng dẫn bởi khoản 1 Điều 4 Thông tư số 111/2013/TT-BYC, xác định số thuế được giảm đối với thu nhập từ chuyển nhượng vốn như sau:

– Việc xét giảm thuế được thực hiện theo năm tính thuế. Người nộp thuế gặp khó khăn do thiên tai, hỏa hoạn, tai nạn, bệnh hiểm nghèo trong năm tính thuế nào thì được xét giảm số thuế phải nộp của năm tính thuế đó.

– Số thuế phải nộp làm căn cứ xét giảm thuế là tổng số thuế thu nhập cá nhân mà người nộp thuế phải nộp trong năm tính thuế, bao gồm:

  • Thuế thu nhập cá nhân đã nộp hoặc đã khấu trừ đối với thu nhập từ đầu tư vốn, thu nhập từ chuyển nhượng vốn, thu nhập từ chuyển nhượng bất động sản, thu nhập từ trúng thưởng, thu nhập từ bản quyền, thu nhập từ nhượng quyền thương mại, thu nhập từ thừa kế; thu nhập từ quà tặng. 
  • Thuế thu nhập cá nhân phải nộp đối với thu nhập từ kinh doanh và thu nhập từ tiền lương, tiền công.

– Căn cứ để xác định mức độ thiệt hại được giảm thuế là tổng chi phí thực tế để khắc phục thiệt hại trừ (-) đi các khoản bồi thường nhận được từ tổ chức bảo hiểm (nếu có) hoặc từ tổ chức, cá nhân gây ra tai nạn (nếu có). 

– Số thuế giảm được xác định như sau:

  • Trường hợp số thuế phải nộp trong năm tính thuế lớn hơn mức độ thiệt hại thì số thuế giảm bằng mức độ thiệt hại.
  • Trường hợp số thuế phải nộp trong năm tính thuế nhỏ hơn mức độ thiệt hại thì số thuế giảm bằng số thuế phải nộp.

3. Kỳ tính thuế

3.1.  Đối với cá nhân cư trú

Theo điểm b Khoản 1 Điều 6 Thông tư số 111/2013/TT-BTC thì kỳ tính thuế đối với thu nhập từ chuyển nhượng vốn được thực hiện theo từng lần phát sinh thu nhập. 

3.2. Đối với cá nhân không cư trú 

Cũng theo Khoản 2  Điều 6 Thông tư số 111/2013/TT-BTC thì kỳ tính thuế đối với thu nhập từ chuyển nhượng vốn được thực hiện theo từng lần phát sinh thu nhập. 

4. Căn cứ tính thuế 

4.1. Đối với cá nhân cư trú

Theo Điều 11 Thông tư 111/2013/TT-BTC được sửa đổi bổ sung bởi Điều 16 Thông tư 92/2015/TT-BTC thì căn cứ tính thuế đối với thu nhập từ chuyển nhượng vốn như sau:

Căn cứ tính thuế đối với thu nhập từ chuyển nhượng phần vốn góp là thu nhập tính thuế và thuế suất.

Về thu nhập tính thuế: 

Thu nhập tính thuế từ chuyển nhượng phần vốn góp được xác định bằng giá chuyển nhượng trừ giá mua của phần vốn chuyển nhượng và các chi phí hợp lý liên quan đến việc tạo ra thu nhập từ chuyển nhượng vốn.

Trường hợp doanh nghiệp hạch toán kế toán bằng đồng ngoại tệ, cá nhân chuyển nhượng vốn góp bằng ngoại tệ thì giá chuyển nhượng và giá mua của phần vốn chuyển nhượng được xác định bằng đồng ngoại tệ.

Trường hợp doanh nghiệp hạch toán kế toán bằng đồng Việt Nam, cá nhân chuyển nhượng vốn góp bằng ngoại tệ thì giá chuyển nhượng phải được xác định bằng đồng Việt Nam theo tỷ giá giao dịch bình quân trên thị trường ngoại tệ liên ngân hàng do Ngân hàng Nhà nước Việt Nam công bố tại thời điểm chuyển nhượng.

Trong đó:

– Giá chuyển nhượng là số tiền mà cá nhân nhận được theo hợp đồng chuyển nhượng vốn.

Trường hợp hợp đồng chuyển nhượng không quy định giá thanh toán hoặc giá thanh toán trên hợp đồng không phù hợp với giá thị trường thì cơ quan thuế có quyền ấn định giá chuyển nhượng theo quy định của pháp luật về quản lý thuế.

– Giá mua của phần vốn chuyển nhượng là trị giá phần vốn góp tại thời điểm chuyển nhượng vốn.

Trị giá phần vốn góp tại thời điểm chuyển nhượng bao gồm: trị giá phần vốn góp thành lập doanh nghiệp, trị giá phần vốn của các lần góp bổ sung, trị giá phần vốn do mua lại, trị giá phần vốn từ lợi tức ghi tăng vốn. Cụ thể như sau:

  • Đối với phần vốn góp thành lập doanh nghiệp là trị giá phần vốn tại thời điểm góp vốn. Trị giá vốn góp được xác định trên cơ sở sổ sách kế toán, hóa đơn, chứng từ.
  • Đối với phần vốn góp bổ sung là trị giá phần vốn góp bổ sung tại thời điểm góp vốn bổ sung. Trị giá vốn góp bổ sung được xác định trên cơ sở sổ sách kế toán, hóa đơn, chứng từ.
  • Đối với phần vốn do mua lại là giá trị phần vốn đó tại thời điểm mua. Giá mua được xác định căn cứ vào hợp đồng mua lại phần vốn góp. Trường hợp hợp đồng mua lại phần vốn góp không có giá thanh toán hoặc giá thanh toán trên hợp đồng không phù hợp với giá thị trường thì cơ quan thuế có quyền ấn định giá mua theo pháp luật về quản lý thuế .
  • Đối với phần vốn từ lợi tức ghi tăng vốn là giá trị lợi tức ghi tăng vốn.

–  Các chi phí liên quan được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế của hoạt động chuyển nhượng vốn là những chi phí hợp lý thực tế phát sinh liên quan đến việc tạo ra thu nhập từ chuyển nhượng vốn, có hóa đơn, chứng từ hợp lệ theo quy định, cụ thể như sau:

  • Chi phí để làm các thủ tục pháp lý cần thiết cho việc chuyển nhượng.
  • Các khoản phí và lệ phí người chuyển nhượng nộp ngân sách khi làm thủ tục chuyển nhượng.
  • Các khoản chi phí khác có liên quan trực tiếp đến việc chuyển nhượng vốn
  •  Thuế suất

Về thuế suất:

Thuế suất thuế thu nhập cá nhân đối với thu nhập từ chuyển nhượng vốn góp áp dụng theo Biểu thuế toàn phần với thuế suất là 20%.

Thời điểm xác định thu nhập tính thuế:

Thời điểm xác định thu nhập tính thuế là thời điểm hợp đồng chuyển nhượng vốn góp có hiệu lực. Riêng đối với trường hợp góp vốn bằng phần vốn góp thì thời điểm xác định thu nhập tính thuế từ chuyển nhượng vốn là thời điểm cá nhân chuyển nhượng vốn, rút vốn.

 Cách tính thuế:

Thuế thu nhập cá nhân phải nộp = Thu nhập tính thuế × Thuế suất 20%

4.2. Đối với cá nhân không cư trú 

Thuế thu nhập cá nhân đối với thu nhập từ chuyển nhượng vốn của cá nhân không cư trú được xác định bằng tổng số tiền mà cá nhân không cư trú nhận được từ việc chuyển nhượng phần vốn tại các tổ chức, cá nhân Việt Nam nhân (×) với thuế suất 0,1%, không phân biệt việc chuyển nhượng được thực hiện tại Việt Nam hay tại nước ngoài.

Tổng số tiền mà cá nhân không cư trú nhận được từ việc chuyển nhượng phần vốn tại các tổ chức, cá nhân Việt Nam là giá chuyển nhượng vốn không trừ bất kỳ khoản chi phí nào kể cả giá vốn.

Giá chuyển nhượng đối với từng trường hợp cụ thể được xác định như sau: 

  • Trường hợp chuyển nhượng phần vốn góp thì giá chuyển nhượng được xác định như đối với cá nhân cư trú. 
  • Trường hợp chuyển nhượng chứng khoán thì giá chuyển nhượng được xác định như đối với cá nhân cư trú.

Thời điểm xác định thu nhập tính thuế:

 Đối với thu nhập từ chuyển nhượng vốn góp của cá nhân không cư trú là thời điểm hợp đồng chuyển nhượng vốn góp có hiệu lực.

Trên đây là nội dung tổng hợp về vấn đề “Quy định về thuế thu nhập cá nhân từ chuyển nhượng vốn” mà Lawkey gửi tới bạn đọc. Mọi thắc mắc vui lòng liên hệ với chúng tôi qua số điện thoại 1900252511 để được hỗ trợ tư vấn miễn phí. 

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *