Tổ chức, cá nhân có quyền thành lập và quản lý doanh nghiệp theo quy định của pháp luật. Tuy nhiên, bên cạnh đó vẫn có những tổ chức, cá nhân không được thành lập và quản lý doanh nghiệp. Vậy đó là những đối tượng nào? Trong bài viết dưới đây, Lawkey sẽ giải đáp giúp bạn đọc.

1. Quyền thành lập và quản lý doanh nghiệp 

Theo quy định tại Khoản 1 Điều 18 Luật doanh nghiệp năm 2014: “Tổ chức, cá nhân có quyền thành lập và quản lý doanh nghiệp tại Việt Nam theo quy định của Luật này, trừ trường hợp quy định tại khoản 2 Điều này.”

Theo khoản 2 Điều 18, các tổ chức, cá nhân không có quyền thành lập và quản lý doanh nghiệp tại Việt Nam bao gồm:

– Cơ quan nhà nước, đơn vị vũ trang nhân dân sử dụng tài sản nhà nước để thành lập doanh nghiệp kinh doanh thu lợi riêng cho cơ quan, đơn vị mình;

– Cán bộ, công chức, viên chức theo quy định của pháp luật về cán bộ, công chức, viên chức;

– Sĩ quan, hạ sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp, công nhân, viên chức quốc phòng trong các cơ quan, đơn vị thuộc Quân đội nhân dân; sĩ quan, hạ sĩ quan chuyên nghiệp trong các cơ quan, đơn vị thuộc Công an nhân dân Việt Nam, trừ những người được cử làm đại diện theo ủy quyền để quản lý phần vốn góp của Nhà nước tại doanh nghiệp;

– Cán bộ lãnh đạo, quản lý nghiệp vụ trong doanh nghiệp nhà nước, trừ những người được cử làm đại diện theo ủy quyền để quản lý phần vốn góp của Nhà nước tại doanh nghiệp khác;

– Người chưa thành niên; người bị hạn chế năng lực hành vi dân sự hoặc bị mất năng lực hành vi dân sự; tổ chức không có tư cách pháp nhân;

– Người đang bị truy cứu trách nhiệm hình sự, chấp hành hình phạt tù, quyết định xử lý hành chính tại cơ sở cai nghiện bắt buộc, cơ sở giáo dục bắt buộc hoặc đang bị cấm hành nghề kinh doanh, đảm nhiệm chức vụ hoặc làm công việc nhất định, liên quan đến kinh doanh theo quyết định của Tòa án;

– Các trường hợp khác theo quy định của pháp luật về phá sản, phòng, chống tham nhũng.

Cụ thể, các trường hợp khác theo quy định của pháp luật về phá sản, bao gồm:

(i) Người giữ chức vụ (Tổng) Giám đốc, chủ tịch và các thành viên Hội đồng quản trị của doanh nghiệp nhà nước bị tuyên bố phá sản không được đảm đương các chức vụ đó ở bất kỳ doanh nghiệp nhà nước nào;

(ii) Người được giao đại diện phần vốn góp của Nhà nước ở doanh nghiệp mà doanh nghiệp đó bị tuyên bố phá sản không được đảm đương các chức vụ quản lý ở bất kỳ doanh nghiệp nào có vốn của Nhà nước;

(iii)  Người giữ chức vụ quản lý của doanh nghiệp hoặc hợp tác xã bị tuyên bố phá sản có thể bị thẩm phán quyết định không được quyền thành lập và quản lý doanh nghiệp hoặc hợp tác xã trong thời hạn 3 năm kể từ ngày Tòa án có quyết định tuyên bố phá sản khi cố ý vi phạm quy định tại một số điều của Luật phá sản năm 2014, bao gồm: 

  • Khoản 1 Điều 18 Luật phá sản năm 2014 (về nghĩa vụ của người tham gia thủ tục phá sản thực hiện yêu cầu của thẩm phán, quản tài viên, doanh nghiệp quản lý, thanh lý tài sản và cơ quan thi hành án dân sự);
  • Khoản 5 Điều 28 Luật phá sản năm 2014 (về nghĩa vụ của người đại diện theo pháp luật, chủ doanh nghiệp tư nhân, thành viên hợp danh của công ty hợp danh, chủ sở hữu hoặc chủ tịch Hội đồng thành viên của Công ty trách nhiệm hữu hạn và chủ tịch Hội đồng quản trị của công ty cổ phần nộp đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản khi doanh nghiệp mất khả năng thanh toán); và
  • Khoản 1 Điều 48 Luật phá sản năm 2014 (về nghĩa vụ doanh nghiệp không được thực hiện các giao dịch tẩu tán tài sản sau khi có quyết định mở thủ tục phá sản).

Các trường hợp khác theo quy định của pháp luật về phòng chống tham nhũng, bao gồm:

(i) Cán bộ, công chức và viên chức không được thành lập, tham gia thành lập hoặc tham gia quản lý doanh nghiệp, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác;

(ii) Cán bộ, công chức và viên chức không được kinh doanh trong lĩnh vực mà trước đây mình có trách nhiệm quản lý sau khi thôi giữ chức vụ trong một thời hạn nhất định theo quy định của Chính phủ;

(iii) Người đứng đầu, cấp phó của người đứng đầu cơ quan, vợ hoặc chồng của những người đó không được góp vốn vào doanh nghiệp hoạt động trong phạm vi ngành nghề mà người đó trực tiếp thực hiện việc quản lý nhà nước;

(iv) Người đứng đầu, cấp phó của người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị không được bố trí vợ hoặc chồng, bố, mẹ, con, anh, chị, em ruột của mình giữ chức vụ quản lý về tổ chức nhân sự, kế toán – tài vụ, làm thủ quỹ, thủ kho trong cơ quan, tổ chức, đơn vị hoặc giao dịch, mua bán vật tư, hàng hóa, ký kết hợp đồng cho cơ quan, tổ chức, đơn vị đó;

(v) Người đứng đầu, cấp phó của người đứng đầu cơ quan không được để vợ hoặc chồng, bố, mẹ, con kinh doanh trong phạm vi do mình quản lý trực tiếp.

2. Quyền góp vốn, mua cổ phần, phần vốn góp 

Khoản 3 Điều 18 Luật doanh nghiệp năm 2014 quy định, Tổ chức, cá nhân có quyền góp vốn, mua cổ phần, mua phần vốn góp vào công ty cổ phần, công ty trách nhiệm hữu hạn, công ty hợp danh t, trừ trường hợp sau đây:

  • Cơ quan nhà nước, đơn vị vũ trang nhân dân sử dụng tài sản nhà nước góp vốn vào doanh nghiệp để thu lợi riêng cho cơ quan, đơn vị mình;
  • Các đối tượng không được góp vốn vào doanh nghiệp theo quy định của pháp luật về cán bộ, công chức. 

Trên đây là nội dung bài viết “Quyền thành lập và quản lý doanh nghiệp” mà Lawkey gửi tới bạn đọc. Mọi thắc mắc vui lòng liên hệ với chúng tôi qua số điện thoại 1900252511 để được hỗ trợ tư vấn. 

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *