Trong mọi trường hợp, nhà đầu tư nước ngoài cũng như nhà đầu tư trong nước đều bắt buộc phải được cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp, Giấy phép kinh doanh (đối với doanh nghiệp kinh doanh ngành nghề có điều kiện) khi thành lập doanh nghiệp. Hãy cùng Lawkey tìm hiểu về Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp, Giấy phép kinh doanh trong bài viết dưới đây.

1. Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp

Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp được cấp cho doanh nghiệp mà không phân biệt chủ sở hữu doanh nghiệp là nhà đầu tư trong nước hay nhà đầu tư nước ngoài. Thủ tục xin cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp tương đối đơn giản. Chủ sở hữu doanh nghiệp tư nhân chỉ cần gửi hồ sơ đăng ký lên cơ quan đăng ký kinh doanh để xin Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp. Đối với công ty hợp danh, công ty trách nhiệm hữu hạn và công ty cổ phần, thì trong hồ sơ đăng ký cần phải có thêm dự thảo Điều lệ công ty.

 Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp chỉ ghi nhận bốn nội dung là: Tên doanh nghiệp và mã số doanh nghiệp; Địa chỉ trụ sở chính của doanh nghiệp; Thông tin về chủ sở hữu doanh nghiệp tư nhân, thành viên công ty hợp danh, thành viên công ty trách nhiệm hữu hạn và người đại diện theo pháp luật của công ty trách nhiệm hữu hạn và công
ty cổ phần; Vốn điều lệ.

Có ba điểm cần lưu ý đối với Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp liên quan đến ngành nghề kinh doanh, vốn điều lệ và thông tin về cổ đông.  Cụ thể:

– So với Luật doanh nghiệp năm 2005 với quy định ngành nghề kinh doanh là một nội dung bắt buộc thì Luật doanh nghiệp năm 2014 đã loại bỏ nội dung này ra khỏi Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp.

Như vậy, phạm vi hoạt động của doanh nghiệp không còn được quy định trong Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp nữa. Tuy nhiên, thay đổi này hiện chỉ có tính hình thức. Trên thực tế, doanh nghiệp còn cần đăng ký ngành nghề kinh doanh cụ thể và không thể đăng ký kinh doanh mọi ngành nghề mà pháp luật không cấm. Do vậy, không có sự thay đổi về bản chất giữa Luật doanh nghiệp năm 2005 và Luật doanh nghiệp năm 2014 liên quan đến vấn đề này.

Vốn điều lệ là một nội dung quan trọng của Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp. Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp ban đầu phải nêu rõ mức vốn mà thành viên hoặc cổ đông đã thực góp hoặc cam kết góp hoặc đăng ký mua. Vốn cam kết góp hoặc cổ phần đăng ký mua chỉ áp dụng cho giai đoạn 90 ngày kể từ ngày công ty được cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp lần đầu. Sau giai đoạn 90 ngày này, vốn điều lệ phải được hiểu là vốn thực góp của các thành viên góp vốn đối với công ty trách nhiệm hữu hạn hoặc của các cổ đông đối với công ty cổ phần.

Mặc dù Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp ghi nhận thông tin về thành viên công ty trách nhiệm hữu hạn, Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp không ghi nhận thông tin về cổ đông công ty cổ phần, kể cả cổ đông sáng lập. Quy định này phản ánh thực tế là công ty cổ phần có nhiều cổ đông và Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp không thể ghi nhận thông tin của mọi cổ đông.

2. Giấy phép kinh doanh có điều kiện

Đối với doanh nghiệp hoạt động trong những ngành nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện, ngoài Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp do cơ quan đăng ký kinh doanh cấp, doanh nghiệp còn được cấp Giấy phép kinh doanh do cơ quan quản lý nhà nước chuyên ngành trong lĩnh vực có liên quan cấp. Ví dụ:

– Trong lĩnh vực ngân hàng: Ngân hàng Nhà nước cấp giấy phép thành lập và hoạt động cho ngân hàng;

– Trong lĩnh vực chứng khoán: Ủy ban Chứng khoán nhà nước cấp giấy phép thành lập và hoạt động cho công ty chứng khoán;

– Trong lĩnh vực bảo hiểm: Bộ Tài chính cấp giấy phép thành lập và hoạt động cho doanh nghiệp bảo hiểm;

– Trong lĩnh vực luật: Sở Tư pháp cấp giấy đăng ký hoạt động cho tổ chức hành nghề luật sư;

– Trong lĩnh vực công chứng: Sở Tư pháp cấp giấy đăng ký hoạt động cho văn phòng công chứng;

– Trong lĩnh vực dầu khí: Bộ Công Thương cấp Giấy phép kinh doanh xuất khẩu, nhập khẩu xăng dầu;

– Trong lĩnh vực hàng không dân dụng: Bộ Giao thông vận tải cấp Giấy phép kinh doanh cảng hàng không, sân bay;

– Trong lĩnh vực xuất bản: Bộ Thông tin và Truyền thông cấp Giấy phép thành lập nhà xuất bản;

– Trong lĩnh vực báo chí: Bộ Thông tin và Truyền thông cấp Giấy phép hoạt động báo chí in, Cục báo chí cấp giấy phép xuất bản đặc san.

Quá trình cấp Giấy phép kinh doanh đối với các doanh nghiệp trên là một quá trình xem xét kỹ lưỡng dựa trên các tiêu chí cụ thể áp dụng cho nhà đầu tư, doanh nghiệp thực hiện cũng như nhu cầu phát triển hoặc yêu cầu về an ninh quốc gia trong các lĩnh vực trên.

Giấy phép kinh doanh của doanh nghiệp hoạt động trong ngành nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện quy định cụ thể phạm vi hoạt động của doanh nghiệp. Ví dụ, Giấy phép thành lập và hoạt động do Ngân hàng Nhà nước cấp cho ngân hàng quy định cụ thể các dịch vụ ngân hàng mà ngân hàng được phép cung cấp cho khách hàng. Giấy phép kinh doanh là văn bản chủ yếu xác định phạm vi hoạt động của doanh nghiệp hoạt động trong ngành nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện.

Trên đây là nội dung bài viết “Tìm hiểu về Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp, Giấy phép kinh doanh” mà Lawkey gửi tới bạn đọc. Mọi thắc mắc vui lòng liên hệ với chúng tôi để được hỗ trợ tư vấn miễn phí.