Tranh chấp lao động tập thể giữa tập thể lao động với người sử dụng lao động bao gồm tranh chấp lao động tập thể về quyền và tranh chấp lao động tập thể về lợi ích. Vậy tranh chấp lao động tập thể được giải quyết như thế nào? 

Theo quy định của Bộ luật lao động năm 2012, trình tự thủ tục giải quyết tranh chấp lao động tập thể về quyền và giải quyết tranh chấp lao động tập thể về lợi ích có thể là khác nhau.

1. Giải quyết tranh chấp lao động tập thể về quyền 

Tranh chấp lao động tập thể về quyền là tranh chấp giữa tập thể lao động với người sử dụng lao động phát sinh từ việc giải thích và thực hiện khác nhau quy định của pháp luật về lao động, thoả ước lao động tập thể, nội quy lao động, quy chế và thoả thuận hợp pháp khác. Việc giải quyết tranh chấp lao động tập thể về quyền được giải quyết như sau:

1.1. Về thẩm quyền giải quyết 

Theo quy định tại Điều 203 Bộ luật lao động năm 2012, thẩm quyền giải quyết tranh chấp lao động tập thể về quyền thuộc:

  • Hoà giải viên lao động;
  • Chủ tịch Uỷ ban nhân dân huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh (sau đây gọi chung là Chủ tịch Uỷ ban nhân dân cấp huyện);
  • Toà án nhân dân.

1.2. Trình tự giải quyết tranh chấp lao động tập thể về quyền 

Theo quy định của Bộ luật lao động năm 2012, việc giải quyết tranh chấp lao động tập thể về quyền trước tiên phải thông qua thủ tục hòa giải của hòa giải viên lao động. Biên bản hòa giải có chữ ký của các bên tranh chấp có mặt tại phiên hòa giải và chữ ký của hòa giải viên lao động.

Trong trường hợp hoà giải không thành hoặc một trong hai bên không thực hiện các thỏa thuận trong biên bản hòa giải thành thì các bên có quyền yêu cầu Chủ tịch Uỷ ban nhân dân cấp huyện giải quyết.

Việc giải quyết tranh chấp lao động tập thể về quyền của chủ tịch Uỷ ban nhân dân cấp huyện được tiến hành như sau:

Trong thời hạn 05 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được đơn yêu cầu giải quyết tranh chấp lao động tập thể về quyền, Chủ tịch Uỷ ban nhân dân cấp huyện phải tiến hành giải quyết tranh chấp lao động.

Tại phiên họp giải quyết tranh chấp lao động phải có đại diện của hai bên tranh chấp. Trường hợp cần thiết, Chủ tịch Uỷ ban nhân dân cấp huyện mời đại diện cơ quan, tổ chức có liên quan tham dự phiên họp.

Chủ tịch Uỷ ban nhân dân cấp huyện căn cứ vào pháp luật về lao động, thoả ước lao động tập thể, nội quy lao động đã được đăng ký và các quy chế, thoả thuận hợp pháp khác để xem xét giải quyết tranh chấp lao động.

Trong trường hợp các bên không đồng ý với quyết định của Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện hoặc quá thời hạn mà Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện không giải quyết thì các bên có quyền yêu cầu Tòa án giải quyết.

Lưu ý: Thời hiệu yêu cầu giải quyết tranh chấp lao động tập thể về quyền là 01 năm kể từ ngày phát hiện ra hành vi mà mỗi bên tranh chấp cho rằng quyền và lợi ích hợp pháp của mình bị vi phạm.

2. Giải quyết tranh chấp lao động tập thể về lợi ích

Cũng giống như giải quyết tranh chấp lao động tập thể về quyền, việc giải quyết tranh chấp lao động tập thể về lợi ích cũng phải thông qua thủ tục hòa giải của hòa giải viên lao động.

2.1.Về thẩm quyền giải quyết 

Theo quy định tại Điều 203 Bộ luật lao động năm 2012: “Cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền giải quyết tranh chấp lao động tập thể về lợi ích bao gồm:

a) Hoà giải viên lao động;

b) Hội đồng trọng tài lao động.”

2.2. Về trình tự giải quyết

Như đã đề cập ở trên, việc giải quyết tranh chấp lao động tập thể về lợi ích cũng phải thông qua thủ tục hòa giải của hòa giải viên lao động. Trong trường hợp hoà giải không thành hoặc một trong hai bên không thực hiện các thỏa thuận trong biên bản hòa giải thành thì các bên có quyền yêu cầu Hội đồng trọng tài lao động giải quyết.

Việc giải quyết tranh chấp lao động tập thể về lợi ích của Hội đồng trọng tài lao động được thực hiện như sau:

Trong thời hạn 07 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được đơn yêu cầu giải quyết, Hội đồng trọng tài lao động phải kết thúc việc hòa giải.

Tại phiên họp của Hội đồng trọng tài lao động phải có đại diện của hai bên tranh chấp. Trường hợp cần thiết, Hội đồng trọng tài lao động mời đại diện cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan tham dự phiên họp.

Hội đồng trọng tài lao động có trách nhiệm hỗ trợ các bên tự thương lượng, trường hợp hai bên không thương lượng được thì Hội đồng trọng tài lao động đưa ra phương án để hai bên xem xét.

Trong trường hợp hai bên tự thỏa thuận được hoặc chấp nhận phương án hòa giải thì Hội đồng trọng tài lao động lập biên bản hoà giải thành đồng thời ra quyết định công nhận sự thỏa thuận của các bên.

Trường hợp hai bên không thỏa thuận được hoặc một bên tranh chấp đã được triệu tập hợp lệ đến lần thứ hai mà vẫn vắng mặt không có lý do chính đáng thì Hội đồng trọng tài lao động lập biên bản hoà giải không thành.

Biên bản có chữ ký của các bên có mặt, của Chủ tịch và Thư ký Hội đồng trọng tài lao động.

Bản sao biên bản hoà giải thành hoặc hoà giải không thành phải được gửi cho hai bên tranh chấp trong thời hạn 01 ngày làm việc, kể từ ngày lập biên bản.

Sau thời hạn 05 ngày, kể từ ngày Hội đồng trọng tài lao động lập biên bản hòa giải thành mà một trong các bên không thực hiện thỏa thuận đã đạt được thì tập thể lao động có quyền tiến hành các thủ tục để đình công.

Trong trường hợp Hội đồng trọng tài lao động lập biên bản hòa giải không thành thì sau thời hạn 03 ngày, tập thể lao động có quyền tiến hành các thủ tục để đình công.

Mặc dù tranh chấp lao động tập thể không xảy ra phổ biến như tranh chấp lao động cá nhân nhưng tập thể người lao động cũng nên nẳm rõ các quy định của pháp luật về giải quyết tranh chấp lao động tập thể để bảo vệ quyền và lợi ích của tập thể lao động khi có tranh chấp xảy ra.

Mọi thắc mắc vui lòng liên hệ với Lawkey qua số điện thoại 1900252511 để được hỗ trợ tư vấn miễn phí.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *