Khi tiến hành xử lý kỷ luật lao động người lao động, người sử dụng lao động phải tuân thủ một quy trình xử lý kỷ luật lao động theo đúng quy định của pháp luật. 

1. Thẩm quyền xử lý kỷ luật lao động

Theo quy định tại Điểm a Khoản 1 Điều 123 Bộ luật lao động năm 2012 và được hướng dẫn bởi Khoản 4 Điều 30 Nghị định 05/2015/NĐ – CP đã cụ thể rõ hơn về thẩm quyền xử lý kỷ luật lao động. Theo đó, người có thẩm quyền xử lý kỷ luật lao động là người sử dụng lao động (tức người có thẩm quyền giao kết hợp đồng lao động). Người được ủy quyền giao kết hợp đồng lao động chỉ có thẩm quyền xử lý kỷ luật lao động theo hình thức khiển trách. Quy định này nhằm tăng cường quyền và trách nhiệm của người sử dụng lao động trong việc duy trì kỷ luật lao động của đơn vị.

2. Về trình tự tiến hành xử lý kỷ luật lao động 

Trình tự tiến hành xử lý kỷ luật lao động phải đảm bảo có đầy đủ thành phần tham dự, trình tự tiến hành họp xử lý kỷ luật lao động theo đúng quy định của pháp luật và ra quyết định xử lý kỷ luật trong thời hạn xử lý kỷ luật lao động.

2.1. Thành phần tham dự 

Người lao động phải gửi thông báo bằng văn bản về việc tham dự cuộc họp xử lý kỷ luật lao động cho người lao động, cha, mẹ hoặc người đại diện theo pháp luật của người lao động dưới 18 tuổi, Ban chấp hành công đoàn cơ sở hoặc Ban chấp hành công đoàn cấp trên cơ sở nơi chưa thành lập Ban chấp hành công đoàn cơ sở ít nhất là 05 ngày làm việc trước khi tiến hành cuộc họp.

Nếu người lao động nhờ luật sư hoặc người khác bào chữa tại cuộc họp xử lý kỷ luật lao động thì người sử dụng lao động cũng nên gửi thông báo bằng văn bản về việc tham dự cuộc họp xử lý kỷ luật lao động cho luật sư hoặc người bào chữa cho người lao động để tham dự cuộc họp này, ít nhất là 05 ngày làm việc trước khi tiến hành cuộc họp, để những người này chuẩn bị. 

Về nguyên tắc, cuộc họp xử lý kỷ luật lao động chỉ được tiến hành khi có mặt đầy đủ các thành phần tham dự đã được thông báo tham dự cuộc họp. Nếu người sử dụng lao động đã thông báo bằng văn bản về việc tham dự cuộc họp xử lý kỷ luật lao động mà một trong các thành phần tham dự không có mặt thì người sử dụng lao động phải tiếp tục thông báo lần họp kế tiếp. Chỉ sau 03 lần thông báo bằng văn bản về việc tham dự cuộc họp xử lý kỷ luật lao động (không tính các lần hoãn hoặc hủy hoặc thay đổi địa điểm họp) mà một trong các thành phần tham dự không có mặt thì người sử dụng lao động mới được quyền tiến hành cuộc họp xử lý kỷ luật lao động, trừ trường hợp người lao động đang trong thời gian không được xử lý kỷ luật lao động.

Như vậy, có thể thấy, việc người lao động phản đối hình thức xử lý kỷ luật lao động được đưa ra tại cuộc họp bằng cách không tham dự cuộc họp xử lý kỷ luật lao động sẽ không làm gián đoạn việc họp xử lý vi phạm kỷ luật lao động.

Việc nhờ luật sư hoặc người khác bào chữa cho người lao động tại cuộc họp xử lý kỷ luật lao động là quyền của người lao động nhưng nếu luật sư hoặc người bào chữa không đến tham dự cuộc họp xử lý kỷ luật lao động mặc dù đã được thông báo hợp lệ thì xem như người lao động đã không thực thi quyền này của mình và người sử dụng lao động vẫn được quyền tiếp tục tiến hành cuộc họp xử lý kỷ luật lao động. Khi đó, người lao động sẽ tự bào chữa cho chính mình. 

2.2. Cuộc họp xử lý kỷ luật lao động theo đúng quy định của pháp luật

Người sử dụng lao động cần tiến hành cuộc họp xử lý kỷ luật lao động trước khi đưa ra quyết định xử lý kỷ luật lao động. Chủ trì cuộc họp xử lý kỷ luật lao động là người đại diện theo pháp luật của người sử dụng lao động. Trong trường hợp người giao kết hợp đồng lao động bên phía người sử dụng lao động theo quy định pháp luật ủy quyền hợp pháp trước bằng văn bản cho một người khác giao kết hợp đồng lao động thì khi tiến hành cuộc họp xử lý kỷ luật lao động, người được ủy quyền giao kết hợp đồng lao động trước đó có thể được tiến hành triệu tập và chủ trì cuộc họp xử lý kỷ luật lao động.

Bên cạnh đó, tại cuộc họp xử lý kỷ luật lao động, người lao động phải được tạo cơ hội để trình bày vụ việc và đưa ra yêu cầu của mình và mặt khác, được quyền đưa ra chứng cứ để hỗ trợ cho lập luận của mình. 

Cuộc họp xử lý kỷ luật lao động phải được lập thành biên bản và biên bản này phải được các thành viên tham dự thông qua trước khi cuộc họp kết thúc. Biên bản phải có đầy đủ chữ ký của các thành phần tham dự cuộc họp và người lập biên bản. Trường hợp một trong các thành phần đã tham dự cuộc họp nhưng không chịu ký vào biên bản thì phải ghi rõ lý do. 

2.3. Ban hành quyết định xử lý kỷ luật lao động 

Sau khi tổ chức cuộc họp xử lý kỷ luật lao động như được nêu ở trên, người sử dụng lao động nên cân nhắc thêm về việc có nên ban hành quyết định xử lý kỷ luật lao động hay không?  Nếu người sử dụng lao động có đầy đủ chứng cứ thuyết phục và quyết định sẽ xử lý kỷ luật lao động đối với người lao động để làm gương cho các trường hợp tương tự khác trong tương lai, người sử dụng lao động sẽ ban hành quyết định xử lý kỷ luật lao động bằng văn bản. Các hình thức xử lý kỷ luật lao động bao gồm: (i) Khiển trách; (ii) Kéo dài thời hạn nâng lương không quá 06 tháng; (iii) Cách chức; và (iv) Sa thải.  Tuy nhiên cần lưu ý: 

  • Quyết định xử lý kỷ luật lao động phải được ban hành trong thời hạn xử lý kỷ luật lao động hoặc thời gian được gia hạn thời hạn xử lý kỷ luật lao động.
  • Người được ủy quyền trước đây để giao kết hợp đồng lao động chỉ có quyền ra quyết định xử lý kỷ luật lao động nếu hình thức xử lý kỷ luật lao động là khiển trách. Đối với các hình thức xử lý kỷ luật lao động khác, bao gồm hình thức kéo dài thời hạn nâng lương không quá 6 tháng, cách chức hoặc sa thải thì người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp là người đại diện duy nhất có thẩm quyền ban hành quyết định kỷ luật lao động sau khi kết thúc cuộc họp xử lý kỷ luật lao động, người được ủy quyền này hoàn thiện hồ sơ, đề nghị người sử dụng lao động xem xét, ra quyết định và tổ chức thực hiện theo quyết định xử lý kỷ luật lao động được ban hành; và 
  • Quyết định xử lý kỷ luật lao động phải được gửi đến các thành phần tham dự phiên họp xử lý kỷ luật lao động. 

Do đó, nếu người sử dụng lao động xử lý kỷ luật lao động không đúng trình tự xử lý kỷ luật nêu trên thì bị coi là xử lý kỷ luật lao động trái pháp luật.

Trên đây là nội dung bài viết về vấn đề “Trình tự xử lý kỷ luật lao động” mà Lawkey gửi tới bạn đọc. Nếu có thêm bất kỳ thắc mắc nào về các vấn đề pháp lý liên quan, vui lòng liên hệ với Lawkey để được hỗ trợ. 

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *