Đất đai thuộc sở hữu toàn và do Nhà nước là đại diện chủ sở hữu. Các cá nhân, tổ chức và hộ gia đình được Nhà nước giao đất thì có quyền sử dụng đất. Tuy nhiên, khi các chủ thể này có nhu cầu xây dựng các công trình trên đất dưới sự quản lý của Nhà nước, chủ đầu tư vẫn phải xin giấy phép xây dựng của cơ quan nhà nước có thẩm quyền và chỉ được xây dựng khi có sự cho phép, trừ trường hợp được miễn xin cấp giấy phép xây dựng theo quy định của pháp luật. 

Trước khi khởi công xây dựng công trình, chủ đầu tư phải có giấy phép xây dựng do cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp theo quy định của pháp luật. Theo quy định tại Khoản 3 Điều 89 Luật xây dựng năm 2014, Giấy phép xây dựng bao gồm: Giấy phép xây dựng mới; Giấy phép sửa chữa, cải tạo; Giấy phép di dời công trình.

1. Các trường hợp phải xin Giấy phép xây dựng mới

Chủ đầu tư thực hiện hoạt động xây dựng công trình không thuộc các trường hợp được miễn xin cấp giấy phép xây dựng dưới đây sẽ phải chuẩn bị hồ sơ đề nghị cấp giấy phép xây dựng:

  • Công trình bí mật nhà nước, công trình xây dựng theo lệnh khẩn cấp và công trình nằm trên địa bàn của hai đơn vị hành chính cấp tỉnh trở lên;
  • Công trình thuộc dự án đầu tư xây dựng được Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các cấp quyết định đầu tư;
  • Công trình xây dựng tạm phục vụ thi công xây dựng công trình chính;
  • Công trình xây dựng theo tuyến ngoài đô thị nhưng phù hợp với quy hoạch xây dựng đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt hoặc đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền chấp thuận về hướng tuyến công trình;
  • Công trình xây dựng thuộc dự án khu công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao có quy hoạch chi tiết 1/500 đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt và được thẩm định thiết kế xây dựng theo quy định của Luật này;
  • Nhà ở thuộc dự án phát triển đô thị, dự án phát triển nhà ở có quy mô dưới 7 tầng và tổng diện tích sàn dưới 500 m2  có quy hoạch chi tiết 1/500 đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt;
  • Công trình sửa chữa, cải tạo, lắp đặt thiết bị bên trong công trình không làm thay đổi kết cấu chịu lực, không làm thay đổi công năng sử dụng, không làm ảnh hưởng tới môi trường, an toàn công trình;
  • Công trình sửa chữa, cải tạo làm thay đổi kiến trúc mặt ngoài không tiếp giáp với đường trong đô thị có yêu cầu về quản lý kiến trúc;
  • Công trình hạ tầng kỹ thuật ở nông thôn chỉ yêu cầu lập Báo cáo kinh tế – kỹ thuật đầu tư xây dựng và ở khu vực chưa có quy hoạch chi tiết xây dựng điểm dân cư nông thôn được duyệt;
  • Công trình xây dựng ở nông thôn thuộc khu vực chưa có quy hoạch phát triển đô thị và quy hoạch chi tiết xây dựng được duyệt; nhà ở riêng lẻ ở nông thôn, trừ nhà ở riêng lẻ xây dựng trong khu bảo tồn, khu di tích lịch sử – văn hóa;
  • Chủ đầu tư xây dựng công trình được miễn giấy phép xây dựng theo quy định tại các điểm b, d, đ và i khoản này có trách nhiệm thông báo thời điểm khởi công xây dựng kèm theo hồ sơ thiết kế xây dựng đến cơ quan quản lý xây dựng tại địa phương để theo dõi, lưu hồ sơ.

Hồ sơ đề nghị cấp giấy phép xây dựng đối với từng loại công trình sẽ khác nhau và được quy định tại Điều 95 Luật xây dựng năm 2014.

2. Các trường hợp xin cấp Giấy phép sửa chữa, cải tạo

Khi sửa chữa, cải tạo các công trình xây dựng, chủ đầu tư phải xin giấy phép sửa chữa, cải tạo trong các trường hợp sau:

  • Công trình sửa chữa, cải tạo, lắp đặt thiết bị bên trong công trình mà hậu quả dẫn đến làm thay đổi kết cấu chịu lực, thay đổi công năng sử dụng, làm ảnh hưởng tới môi trường và ảnh hưởng tới an toàn công trình.
  • Công trình sửa chữa, cải tạo làm thay đổi kiến trúc mặt ngoài tiếp giáp với đường trong đô thị có yêu cầu về quản lý kiến trúc.

Hồ sơ đề nghị cấp giấy phép xây dựng đối với trường hợp sửa chữa, cải tạo công trình bao gồm:

  • Đơn đề nghị cấp giấy phép sửa chữa, cải tạo công trình.
  • Bản sao một trong những giấy tờ chứng minh về quyền sở hữu, quản lý, sử dụng công trình, nhà ở theo quy định của pháp luật.
  • Bản vẽ, ảnh chụp hiện trạng của bộ phận, hạng mục công trình, nhà ở riêng lẻ đề nghị được cải tạo.
  • Đối với công trình di tích lịch sử – văn hoá và danh lam, thắng cảnh đã được xếp hạng, công trình hạ tầng kỹ thuật thì phải có văn bản chấp thuận về sự cần thiết xây dựng và quy mô công trình của cơ quan quản lý nhà nước về văn hóa.

3. Trường hợp xin cấp Giấy phép di dời công trình

Khi cá nhân, hộ gia đình, chủ đầu tư có nhu cầu muốn di dời công trình thì bắt buộc phải lập hồ sơ xin giấy phép di dời công trình.

Hồ sơ đề nghị cấp giấy phép xây dựng đối với trường hợp di dời công trình bao gồm:

  • Đơn đề nghị cấp giấy phép di dời công trình.
  • Bản sao giấy tờ chứng minh quyền sử dụng đất nơi công trình sẽ di dời đến và giấy tờ hợp pháp về sở hữu công trình theo quy định của pháp luật.
  • Bản vẽ hoàn công công trình (nếu có) hoặc bản vẽ thiết kế mô tả thực trạng công trình được di dời, gồm mặt bằng, mặt cắt móng và bản vẽ kết cấu chịu lực chính; bản vẽ tổng mặt bằng địa điểm công trình sẽ được di dời tới; bản vẽ mặt bằng, mặt cắt móng tại địa điểm công trình sẽ di dời đến.
  • Báo cáo kết quả khảo sát đánh giá chất lượng hiện trạng của công trình do tổ chức, cá nhân có đủ điều kiện năng lực thực hiện.
  • Phương án di dời do tổ chức, cá nhân có đủ điều kiện năng lực thực hiện gồm: (i) Phần thuyết minh về hiện trạng công trình và khu vực công trình sẽ được di dời đến; giải pháp di dời, phương án bố trí sử dụng phương tiện, thiết bị, nhân lực; giải pháp bảo đảm an toàn cho công trình, người, máy móc, thiết bị và công trình lân cận; bảo đảm vệ sinh môi trường; tiến độ di dời; tổ chức, cá nhân thực hiện di dời công trình; (ii) Phần bản vẽ biện pháp thi công di dời công trình.

4. Thẩm quyền cấp Giấy phép xây dựng 

Theo quy định tại Điều 103 Luật xây dựng năm 2014, thẩm quyền cấp giấy phép xây dựng thuộc về:

  • Bộ Xây dựng cấp giấy phép xây dựng đối với công trình cấp đặc biệt.
  • Ủy ban nhân dân cấp tỉnh cấp giấy phép xây dựng đối với các công trình xây dựng cấp I, cấp II; công trình tôn giáo; công trình di tích lịch sử – văn hóa, công trình tượng đài, tranh hoành tráng được xếp hạng; công trình trên các tuyến, trục đường phố chính trong đô thị; công trình thuộc dự án có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài. Ủy ban nhân dân cấp tỉnh được phân cấp cho Sở Xây dựng, ban quản lý khu kinh tế, khu công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao cấp giấy phép xây dựng thuộc phạm vi quản lý, chức năng của các cơ quan này.
  • Ủy ban nhân dân cấp huyện cấp giấy phép xây dựng đối với các công trình, nhà ở riêng lẻ xây dựng trong đô thị, trung tâm cụm xã, trong khu bảo tồn, khu di tích lịch sử – văn hóa thuộc địa bàn do mình  quản lý, trừ các công trình xây dựng  thuộc thẩm quyền của Bộ Xây dựng và Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh.

Đồng thời, cơ quan có thẩm quyền cấp giấy phép xây dựng cũng chính là cơ quan có thẩm quyền điều chỉnh, gia hạn, cấp lại và thu hồi giấy phép xây dựng do mình cấp.

Trên đây là nội dung bài viết “Các trường hợp phải cấp giấy phép xây dựng theo quy định của pháp luật” mà Lawkey gửi tới bạn đọc. Mọi thắc mắc vui lòng liên hệ với chúng tôi qua số điện thoại 1900252511 để được hỗ trợ tư vấn miễn phí.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *