Bộ luật lao động năm 2019 (bắt đầu có hiệu lực từ ngày 01/01/2021) có nhiều điểm mới quan trọng mà người sử dụng lao động và người lao động cần biết. Đặc biệt là quy định về kỷ luật lao động. Trong bài viết dưới đây, kính mời bạn đọc cùng tìm hiểu về những quy định mới về sa thải người lao động từ năm 2021.
1. Thêm trường hợp người lao động bị sa thải
Hiện nay, theo quy định tại Điều 125 Bộ luật lao động năm 2012, người lao động bị kỷ luật bằng các hình thức: Khiển trách, kéo dài thời hạn nâng lương không quá 06 tháng, cách chức, sa thải. Trong đó, sa thải là hình thức kỷ luật lao động nặng nhất.
Đây cũng là các hình thức kỷ luật lao động được quy định tại Bộ luật lao động năm 2019, chính thức có hiệu lực từ 01/01/2021. Theo đó, tại Điều 125 Bộ luật Lao động năm 2019, người sử dụng lao động được sa thải người lao động trong các trường hợp sau:
– Người lao động có hành vi trộm cắp, tham ô, đánh bạc, cố ý gây thương tích, sử dụng ma tuý tại nơi làm việc (giữ nguyên như quy định hiện nay);
– Người lao động có hành vi tiết lộ bí mật kinh doanh, bí mật công nghệ, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ của người sử dụng lao động (giữ nguyên như quy định hiện nay);
– Người lao động có hành vi gây thiệt hại nghiêm trọng hoặc đe dọa gây thiệt hại đặc biệt nghiêm trọng về tài sản, lợi ích của người sử dụng lao động;
– Người lao động có hành vi quấy rối tình dục tại nơi làm việc được quy định trong nội quy lao động;
– Người lao động bị xử lý kỷ luật kéo dài thời hạn nâng lương hoặc cách chức mà tái phạm trong thời gian chưa xóa kỷ luật. Tái phạm là trường hợp người lao động lặp lại hành vi vi phạm đã bị xử lý kỷ luật mà chưa được xóa kỷ luật. So với Bộ luật lao động năm 2012 thì Bộ luật lao động năm 2019 đã bổ sung thêm điều kiện bị cách chức trong thời gian chưa xóa kỷ luật;
– Người lao động tự ý bỏ việc 05 ngày cộng dồn trong thời hạn 30 ngày hoặc 20 ngày cộng dồn trong thời hạn 365 ngày tính từ ngày đầu tiên tự ý bỏ việc mà không có lý do chính đáng (sửa đổi đơn vị tính thời gian bằng ngày thay vì bằng tháng như hiện nay và thêm thời điểm bắt đầu tính thời gian tự ý bỏ việc).
Có thể thấy, so với quy định hiện nay, Bộ luật mới đã bổ sung thêm hành vi người lao động bị sa thải khi có hành vi quấy rối tình dục tại nơi làm việc. Tuy nhiên, lưu ý rằng, hành vi này phải được quy định trong nội quy lao động.
Trong đó, quấy rối tình dục được định nghĩa tại khoản 9 Điều 3 Bộ luật Lao động 2019 như sau:
Quấy rối tình dục tại nơi làm việc là hành vi có tính chất tình dục của bất kỳ người nào đối với người khác tại nơi làm việc mà không được người đó mong muốn hoặc chấp nhận.
Nơi làm việc là bất kỳ nơi nào mà người lao động thực tế làm việc theo thỏa thuận hoặc phân công của người sử dụng lao động
Việc bổ sung trường hợp sa thải khi quấy rối tình dục tại nơi làm việc và thêm định nghĩa quấy rối tình dục tại nơi làm việc được coi là giải pháp thiết thực, giúp người lao động đặc biệt là lao động nữ an tâm làm việc.
2. Các trường hợp lao động nữ không bị sa thải
Hiện nay, theo quy định tại Điều 155 Bộ luật Lao động năm 2012, người sử dụng lao động không được sa thải lao động nữ vì các lý do kết hôn, mang thai, nghỉ thai sản, nuôi con dưới 12 tháng tuổi trừ trường hợp người sử dụng lao động:
– Là cá nhân chết, bị Tòa án tuyên bố mất năng lực hành vi dân sự, mất tích hoặc là đã chết;
– Không phải là cá nhân chấm dứt hoạt động.
Tuy nhiên, khoản 3 Điều 137 Bộ luật Lao động năm 2019 đã bổ sung trường hợp ngoại lệ nêu trên là người sử dụng lao động không phải là cá nhân chấm dứt hoạt động hoặc bị cơ quan chuyên môn về đăng ký kinh doanh thuộc Ủy ban nhân dân cấp tỉnh ra thông báo không có người đại diện theo pháp luật, người được ủy quyền thực hiện quyền và nghĩa vụ của người đại diện theo pháp luật.
Xem thêm: Những điểm mới quan trọng trong Bộ luật lao động năm 2019
Trên đây là nội dung bài viết “Những quy định mới về sa thải người lao động từ năm 2021” mà Lawkey gửi tới bạn đọc. Mọi thắc mắc vui lòng liên hệ với chúng tôi qua số điện thoại 1900252511 để được hỗ trợ tư vấn miễn phí.