Pháp luật lao động Việt Nam quy định như thế nào về người lao động là người nước ngoài vào làm việc tại Việt Nam, có hưởng lương từ người sử dụng lao động mà không có giấy phép lao động và/hoặc hợp đồng lao động?Trong bài viết dưới đây, Lawkey sẽ giải đáp giúp bạn đọc. 

1. Trường hợp 1: Có giấy phép lao động nhưng không ký hợp đồng lao động

Trường hợp người lao động là người nước ngoài thuộc đối tượng ký hợp đồng lao động sau khi được cấp giấy phép lao động thì người sử dụng lao động và người lao động phải ký hợp đồng lao động bằng văn bản trước ngày dự kiến làm việc và trong thời hạn 05 ngày làm việc kể từ ngày giao kết hợp đồng lao động, người sử dụng lao động phải gửi bản sao hợp đồng lao động đến Sở Lao động thương binh&xã hội-nơi đã cấp giấy phép lao động cho người lao động là người nước ngoài đó.

Trong trường hợp người sử dụng lao động không giao kết hợp đồng lao động bằng văn bản đối với công việc có thời hạn trên 03 tháng thì người sử dụng lao động sẽ bị phạt tiền lên đến 25 triệu đồng đối với cá nhân vi phạm và 50 triệu đồng đối với tổ chức vi phạm tùy thuộc vào số người lao động là người nước ngoài mà người sử dụng lao động không giao kết hợp đồng lao động. Lưu ý rằng các quan hệ lao động này sẽ vẫn được pháp luật lao động Việt Nam công nhận khi có tranh chấp, bất kể người sử dụng lao động có giao kết hợp đồng lao động với người lao động là người nước ngoài hay không?

2. Trường hợp 2: Không có giấy phép lao động nhưng có ký kết hợp đồng lao động với người sử dụng lao động

Theo quy định tại Điều 169 Bộ luật lao động năm 2012 thì giấy phép lao động là một trong những điều kiện tiên quyết để người lao động là người nước ngoài làm việc tại Việt Nam.

Trong trường hợp người lao động là người nước ngoài không thuộc trường hợp phải cấp giấy phép lao động thì phải xin xác nhận không thuộc diện cấp giấy phép lao động chứ không đương nhiên được miễn giấy phép lao động.

Nếu người lao động là người nước ngoài làm việc tại Việt Nam nhưng không có giấy phép lao động hoặc không có xác nhận không thuộc diện cấp giấy phép lao động thì người sử dụng lao động và người lao động là người nước ngoài sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính. Cụ thể, Điều 31 Nghị định 28/2020 quy định như sau:

– Người lao động nước ngoài làm việc tại Việt Nam nhưng không có giấy phép lao động hoặc không có văn bản xác nhận không thuộc diện cấp giấy phép lao động sẽ bị trục xuất theo quy định của pháp luật Việt Nam;và

– Phạt tiền từ 15.000.000 đồng đến 25.000.000 đồng đối với người lao động nước ngoài làm việc tại Việt Nam nhưng không có giấy phép lao động hoặc không có văn bản xác nhận không thuộc diện cấp giấy phép lao động theo quy định của pháp luật;

– Phạt tiền đối với người sử dụng lao động có hành vi sử dụng lao động nước ngoài làm việc tại Việt Nam mà không có giấy phép lao động hoặc không có giấy xác nhận không thuộc diện cấp giấy phép lao động theo một trong các mức sau đây:

  • Từ 30.000.000 đồng đến 45.000.000 đồng với vi phạm từ 01 người đến 10 người; 
  • Từ 45.000.000 đồng đến 60.000.000 đồng với vi phạm từ 11 người đến 20 người; 
  • Từ 60.000.000 đồng đến 75.000.000 đồng với vi phạm từ 21 người trở lên.

Lưu ý rằng, mức phạt trên áp dụng đối với người sử dụng lao động là cá nhân vi phạm. Nếu tổ chức vi phạm thì mức phạt tiền đối với tổ chức bằng 02 lần mức phạt tiền đối với cá nhân.

Quan hệ lao động trong trường hợp này sẽ không được cơ quan lao động địa phương và Tòa án có thẩm quyền công nhận khi có tranh chấp mặc dù người sử dụng lao động và người lao động là người nước ngoài có ký kết hợp đồng lao động trên thực tế. 

3. Trường hợp 3: Người lao động là người nước ngoài không có giấy phép lao động cũng không ký hợp đồng lao động với người sử dụng lao động

Nếu người lao động là người nước ngoài làm việc cho người sử dụng lao động nhưng không có hợp đồng lao động cũng như không có giấy phép lao động là vi phạm các quy định của pháp luật lao động Việt Nam.

Trong trường hợp này, nếu người lao động không thuộc diện được miễn giấy phép lao động và không có xác nhận không thuộc đối tượng cấp giấy phép lao động thì người sử dụng lao động sẽ bị phạt vi phạm hành chính như đã phân tích tại trường hợp 1 và trường hợp 2 nêu trên. Quan hệ lao động này cũng không được cơ quan lao động địa phương và Tòa án có thẩm quyền công nhận khi có tranh chấp. 

4. Trường hợp 4: Giấy phép lao động của người lao động là người nước ngoài hết hạn, nhưng hợp đồng lao động chưa hết hạn

Trong trường hợp này, trên thực tế, người lao động nước ngoài có làm việc và hưởng lương từ người sử dụng lao động. 

Đối với trường hợp giấy phép lao động hết hạn, người sử dụng lao động phải tiến hành thủ tục cấp lại khi giấy phép lao động còn thời hạn ít nhất 05 ngày nhưng không quá 45 ngày. Nếu người sử dụng lao động không tiến hành thủ tục cấp lại giấy phép lao động mà vẫn tiếp tục sử dụng người lao động có giấy phép lao động hết hạn thì người sử dụng lao động và người lao động là người nước ngoài sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính.

Cụ thể, Điều 31 Nghị định 28/2020/NĐ-CP quy định như sau:

– Phạt tiền đối với người sử dụng lao động có hành vi sử dụng người lao động nước ngoài có giấy phép lao động đã hết hạn hoặc văn bản xác nhận không thuộc diện cấp giấy phép lao động đã hết hiệu lực theo một trong các mức sau đây:

  • Từ 30.000.000 đồng đến 45.000.000 đồng với vi phạm từ 01 người đến 10 người;
  • Từ 45.000.000 đồng đến 60.000.000 đồng với vi phạm từ 11 người đến 20 người;
  • Từ 60.000.000 đồng đến 75.000.000 đồng với vi phạm từ 21 người trở lên.

Lưu ý rằng, Mức xử phạt trên áp dụng đối với người sử dụng lao động là cá nhân vi phạm. Nếu tổ chức vi phạm thì mức phạt tiền đối với tổ chức bằng 02 lần mức phạt tiền đối với cá nhân.

–  Đối với người lao động nước ngoài sẽ bị trục xuất theo quy định của pháp luật Việt Nam khi làm việc tại Việt Nam mà không có giấy phép lao động hoặc không có văn bản xác nhận không thuộc diện cấp giấy phép lao động. 

Quan hệ lao động này cũng không được cơ quan lao động địa phương và Tòa án có thẩm quyền công nhận khi có tranh chấp. 

5. Trường hợp 5: Giấy phép lao động của người lao động là người nước ngoài chưa hết hạn nhưng hợp đồng lao động đã hết hạn 

Theo quy định của pháp luật lao động Việt Nam, hợp đồng lao động hết hạn là một trong những trường hợp dẫn đến chấm dứt hợp đồng lao động. Theo quy định tại Khoản 2 Điều 174 Bộ luật lao động năm 2012 thì việc chấm dứt hợp đồng lao động sẽ dẫn đến giấy phép lao động hết hiệu lực. 

Mặt khác thời hạn giấy phép lao động theo quy định được cấp theo thời hạn của hợp đồng lao động dự kiến sẽ ký kết trong trường hợp người lao động là người nước ngoài làm việc ở Việt Nam dưới hình thức thực hiện hợp đồng lao động. Thời hạn của giấy phép lao động phải trùng khớp với thời hạn của hợp đồng lao động. Việc không trùng khớp về thời hạn giữa hai tài liệu này là không phù hợp với quy định của pháp luật. Nếu có trường hợp giấy phép lao động của người lao động là người nước ngoài chưa hết hạn, nhưng hợp đồng lao động đã hết hạn và người lao động là người nước ngoài này trên thực tế có làm việc, hưởng lương từ người sử dụng lao động, thì hai bên phải giao kết hợp đồng lao động đối với thời gian còn lại được nêu trên giấy phép lao động cho phù hợp. 

Trong trường hợp, giấy phép lao động của người lao động chưa hết hạn nhưng hợp đồng lao động đã hết hạn mà người sử dụng lao động không giao kết hợp đồng lao động mới với người lao động là người nước ngoài thì người sử dụng lao động có thể bị xử phạt vi phạm hành chính tương tự như trường hợp không giao kết hợp đồng lao động với người lao động nêu tại trường hợp 1.

Trên đây là nội dung bài viết “Pháp luật Việt Nam quy định như thế nào về người lao động nước ngoài vào làm việc tại Việt Nam nhưng không có giấy phép lao động hoặc hợp đồng lao động?” mà Lawkey gửi tới bạn đọc. Mọi thắc mắc vui lòng liên hệ với chúng tôi qua số điện thoại 1900252511 để được hỗ trợ tư vấn miễn phí. 

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *